Nhu cầu của con người rất đa dạng với muôn hình vạn trạng. Tuy nhiên, về cơ bản chúng đều thuộc 5 cấp bậc của Tháp nhu cầu Maslow. Vậy tháp nhu cầu Maslow là gì và ứng dụng như thế nào trong Marketing. Cùng KINGSEO tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Tháp nhu cầu Maslow là gì?
Tháp nhu cầu Maslow là lý thuyết động lực trong tâm lý học, bao gồm một mô hình 5 tầng của kim tự tháp tương ứng 5 cấp độ nhu cầu của con người từ cơ bản đến nâng cao: sinh lý => an toàn => xã hội => tôn trọng => thể hiện bản thân. Theo đó, nhu cầu con người sẽ đi theo quá trình từ đáy tháp đến đỉnh tháp, càng lên cao mức độ càng cao hơn.
Tháp nhu cầu Maslow được áp dụng rất nhiều trong cuộc sống và các lĩnh vực ngành nghề khác nhau như Quản trị, Marketing, Nhân sự…
5 cấp độ của tháp nhu cầu Maslow
Nhu cầu sinh lý (Physiological Needs)
Nhu cầu sinh lý là nhu cầu cơ bản nhất của con người nên được nằm ở đáy thấp nhất của kim tự tháp. Đây là những nhu cầu xuất phát từ bên trong cơ thể và bắt buộc con người phải đáp ứng mới có thể duy trì sự sống và tồn tại. Các yếu tố như: thức ăn, không khí, nước, ngủ,…là các nhu cầu cơ bản nhất trong cấp độ này mà con người cần được thỏa mãn và đáp ứng trước tiên.
Ví dụ: Khi đi làm, bạn cần một công việc có mức thu nhập ổn định đủ để trang trải những nhu cầu tối thiểu của bản thân như: tiền ăn, tiền xăng xe, tiền nhà,…đây là những nhu cầu sinh lý cơ bản mà ai cũng cần phải đáp ứng để có thể tồn tại và phát triển.
Nhu cầu được an toàn (Safety Needs)
Sau khi đã thỏa mãn các nhu cầu về thể chất thì nhu cầu an toàn sẽ được con người quan tâm và ưu tiên. Bởi nhu cầu sinh lý giúp con người có thể tồn tại được thì tiếp theo họ cần một điều gì đó đảm bảo an toàn và giúp họ an tâm hơn để hoạt động và phát triển.
Những nhu cầu trong cấp bậc này bao gồm: An toàn về sức khỏe, tài chính, tính mạng và an toàn trong gia đình.
Ví dụ: Sau khi đã tích lũy một số tiền để trang trải cuộc sống bạn cần một công việc mới có môi trường làm việc tốt hơn, đầy đủ các chính sách, chế độ bảo hiểm, hợp đồng lao động để an tâm hơn khi làm việc.
Nhu cầu xã hội (Love/Belonging Needs)
Nhu cầu xã hội xuất hiện khi nhu cầu sinh lý và an toàn đã được đáp ứng, lúc này con người bắt đầu tập trung vào đời sống tinh thần. Theo lý thuyết tháp nhu cầu Maslow, bên cạnh cuộc sống tối thiểu và cơ bản, con người luôn muốn được hòa nhập vào một cộng đồng, có một gia đình hạnh phúc và những người bạn thân thiết. Nói cụ thể hơn, nhu cầu xã hội liên quan đến tình cảm và các mối quan hệ xung quanh như bạn bè, đối tác, đồng nghiệp,…Nhu cầu xã hội thuộc dạng cấp độ tầm trung nên có ảnh hưởng khá nhiều đến việc tác động hành vi của một cá nhân.
Ví dụ: Sau khi làm việc có thu nhập ổn định, tích luỹ kinh nghiệm và chuyên môn, bạn bắt đầu mong muốn mình được tham gia giao lưu các hội nhóm, cộng đồng và mở rộng mối quan hệ cá nhân với nhiều người.
Nhu cầu được kính trọng (Esteem Needs)
Theo tháp nhu cầu Maslow, sau khi các nhu cầu về sinh lý, an toàn và xã hội được đáp ứng thì con người sẽ có mong muốn cao hơn là được người khác coi trọng và chấp nhận.Vì vậy, họ bắt đầu cố gắng, nỗ lực để được người khác công nhận. Điều này có thể được thể hiện rõ ở lòng tự trọng, sự tín nhiệm, sự tự tin và mức độ thành công của một người.
Nhu cầu kính trọng được chia ra làm hai loại:
- Mong muốn có được danh tiếng và sự tôn trọng từ người khác: mong muốn được thể hiện qua danh tiếng, địa vị, vị trí, cấp bậc trong xã hội hoặc trong một doanh nghiệp, tổ chức, tập thể nào đó.
- Lòng tự trọng với chính bản thân: thực tế, những người thường xuyên nhận được sự tôn trọng và công nhận từ người khác thì sẽ có xu hướng tự tôn trọng bản thân, tự tin hơn và hãnh diện về khả năng của bản thân mình. Ngược lại với những người thiếu lòng tự trọng họ thường rất dễ mặc cảm, tự ti và hay buông xui trước những khó khăn của cuộc sống.
Vì vậy, để đạt được nhu cầu kính trọng, con người phải không ngừng cố gắng, học hỏi, nỗ lực trao dồi để phát triển bản thân về kiến thức lẫn chuyên môn. Từ những thành tích và kết quả mà bạn cố gắng đạt được sẽ là cơ sở để người khác công nhận và dành sự tôn trọng.
Ví dụ: Khi làm việc một thời gian tại công ty bạn muốn được khẳng định năng lực của bản thân hơn và khao khát được nhiều người tôn trọng.Vì vậy, bạn đã cố gắng nỗ lực tăng ca, tìm tòi học hỏi thêm, tạo ra nhiều ý tưởng mới đóng góp cho sự phát triển của công ty. Sau cùng, thành quả được đền đáp, bạn thăng chức lên vị trí trưởng phòng với mức lương cao hơn và được nhiều người xem trọng hơn.
Nhu cầu được thể hiện bản thân (Esteem Needs)
Đây là nhu cầu cao nhất của con người, nằm ở đỉnh của tháp nhu cầu Maslow. Khi đã thoả mãn ở 4 cấp độ trước đó, con người bắt đầu có mong muốn được thể hiện giá trị của bản thân, trở thành những người đứng đầu, để lại dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng. Và cũng theo nhà tâm lý học Maslow, nhu cầu được thể hiện bản thân không xuất phát từ việc thiếu thốn như 4 nhu cầu trước đó. Thay vào đó, nhu cầu này xuất phát từ mong muốn phát triển và tham vọng của con người. Nên nhu cầu này thường xuất hiện ở những người có địa vị cao, danh tiếng. Hầu hết với những người này, họ làm việc để thỏa mãn niềm đam mê, tìm ra giá trị thật của cuộc sống, mong muốn cống hiến một phần cho cộng đồng.
Ví dụ:
Một người đã lên tới vị trí cao, có đầy đủ 4 nhu cầu trước đó và họ bắt đầu có nhu cầu thể hiện đam mê, sở trường của mình như chơi đồ cổ hay mở một quán cà phê để thỏa mãn đam mê pha chế,..
Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong Marketing như thế nào?
Trong Marketing, tháp nhu cầu Maslow được xem như một trợ thủ đắc lực có vai trò vô cùng quan trọng trong nghiên cứu hành vi, nhu cầu của người tiêu dùng. Bởi trước khi lên một kế hoạch tiếp thị bài bản, bộ phận marketing phải hiểu rõ khách hàng mục tiêu doanh nghiệp hướng đến là ai, khách hàng đang có nhu cầu gì và điều gì chưa được thỏa mãn ở họ. Để nắm rõ được những suy nghĩ này các nhà marketing sẽ vận dụng tháp nhu cầu của Maslow để nghiên cứu khách hàng của mình, cụ thể:
- Định vị phân khúc khách hàng: tùy thuộc vào nhóm khách hàng khác nhau sẽ có mục đích và nhu cầu về sản phẩm khác nhau. Vậy nên, khi doanh nghiệp nắm được nhu cầu của nhóm khách hàng mục tiêu sẽ dễ dàng triển khai các chiến lược tiếp thị phù hợp và tiết kiệm tối đa chi phí cho các hoạt động Marketing.
- Nghiên cứu hành vi khách hàng: xác định được nhóm phân khúc khách hàng thôi là chưa đủ, doanh nghiệp cần nghiên cứu sâu hơn về hành vi khách hàng như các yếu tố nào quyết định đến hành động mua hàng của họ. Khách hàng sẽ ưu tiên chất lượng sản phẩm hay giá cả, tính tiện dụng mà quyết định mua hàng. Nghiên cứu hành vi khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ về tâm lý, cách ra quyết định và những yếu tố ảnh hưởng hành động mua hàng, từ đó xây dựng trải nghiệm khách hàng tốt nhất, thúc đẩy hoạt động mua sắm.
Ngoài ra, tháp nhu cầu Maslow cũng được ứng dụng khá rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh, ngành du lịch hay thậm chí là trong tình yêu,… cũng đều được vận dụng và khai thác một cách triệt để.
Ví dụ: Doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng xe gắn máy hướng đến khách hàng mục tiêu là nữ giới, có thu nhập ổn định. Lúc này, nếu doanh nghiệp lựa chọn thiết kế xe đề cao công năng, tốc độ thì rất có thể sản phẩm sẽ không được nhiều khách hàng nữ lựa chọn. Bởi nhu cầu của nhóm đối tượng này đang ở cấp nhu cầu sinh lý và an toàn, nên vấn đề họ quan tâm hàng đầu sẽ là giá cả phải phù hợp, kiểu dáng mẫu mã đẹp mắt, tiết kiệm xăng và thoải mái nhất khi sử dụng.
Một số điều cần lưu ý trong tháp nhu cầu Maslow
Nhu cầu không bắt buộc phải rập khuôn theo tháp Maslow
Tháp nhu cầu Maslow hay bất cứ học thuyết nào khác liên quan tới con người đều không thể áp dụng một cách cứng nhắc mà có thể thay đổi thứ tự linh hoạt tùy vào từng trường hợp khác nhau.
Ví dụ: Theo nhu cầu Maslow, nhu cầu kính trọng có trước nhu cầu thể hiện bản thân. Nhưng bạn lại là người thích ca hát, nhảy múa nên muốn bộc lộ đam mê, sở trường của mình trước và sau đó muốn được người khác tôn trọng những sở thích đó của mình.
Tuy nhiên, dù các nhu cầu có ở trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì nhu cầu sinh lý vẫn là nhu cầu đầu tiên của con người, làm tiền đề để phát triển các nhu cầu khác.
Không phải lúc nào nhu cầu cũng tăng
Như đã nói ở trên, nhu cầu không nhất thiết hoàn toàn có thể đi đúng trình tự theo tháp Maslow mặc dù hầu hết con người đều muốn tăng tiến theo thứ tự đó. Bởi nhu cầu còn có thể bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh, biến cố như tai nạn, ly hôn, mất việc, nợ nần.
Ví dụ: Anh A đã lập gia đình, công việc tới giai đoạn sắp được thăng chức, được mọi người kính mến nhưng bất ngờ anh ly hôn nên lúc này anh chỉ muốn được giao lưu, hoà nhập với cộng đồng để giải tỏa nỗi buồn, tránh tủi thân, trầm cảm. Như vậy, nhu cầu của anh A đã thay đổi từ nhu cầu được kính trọng sau đó quay về lại nhu cầu xã hội.
Không nhất thiết nhu cầu cũ được đáp ứng hoàn toàn thì mới sinh ra nhu cầu mới
Theo ý kiến của Maslow, nhu cầu của con người không bắt buộc phải đáp ứng 100% thì nhu cầu mới mới có thể xuất hiện. Tức là, các nhu cầu cơ bản của con người được thoả mãn ở một mức độ nào đó họ sẽ dần chuyển sang nhu cầu mới.
Ví dụ: Khi vừa mới đi làm có mức thu nhập chỉ vừa đủ để trả tiền ăn, tiền thuê trọ nhưng bạn cũng khao khát muốn làm việc với công ty có chế độ, lương thưởng đầy đủ để vừa đáp ứng được nhu cầu sinh lý, vừa được an toàn.
Tháp nhu cầu Maslow mở rộng
Bên cạnh 5 yếu tố cơ bản tháp nhu cầu Maslow còn được phát triển thêm 3 nhu cầu mở rộng, bao gồm:
- Nhu cầu nhận thức (Cognitive): nhu cầu về học hỏi, tìm tòi và hiểu biết.
- Thu cầu thẩm mỹ (Aesthetic): nhu cầu về vẻ đẹp về hình thức.
- Nhu cầu về tự tôn bản ngã (Self- Transcendence): nhu cầu được thúc đẩy bởi các giá trị vượt ra ngoài bản thân như trực giác siêu nhiên, lòng vị tha, hòa hợp bác ái.
Lời kết
Tháp nhu cầu Maslow được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực của đời sống. Hiểu rõ và biết cách áp dụng 5 cấp độ của Tháp sẽ giúp các nhà kinh doanh, doanh nghiệp nắm được nhu cầu của khách hàng và có các chiến lược tiếp thị phù hợp. Hy vọng qua bài viết bạn đã hiểu hơn về tháp nhu cầu Maslow và ứng dụng của nó trong marketing. Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè cùng biết nhé!