Chiến lược Marketing là gì? Các bước xây dựng chiến lược Marketing hiệu quả

Quoc Dung, 21/12/2021

Ngày nay, nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng, đi đôi với đó là các đối thủ cạnh tranh trên thị trường ngày càng nhiều. Để có thể đáp ứng và theo kịp được sự phát triển chung, buộc các doanh nghiệp phải xây dựng được những chiến lược Marketing phù hợp, hiệu quả để tạo ra lợi thế cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường. Vậy Chiến lược marketing là gì? Các bước xây dựng chiến lược marketing hiệu quả và thành công là gì? Hãy cùng KINGSEO khám phá ngay trong bài viết này nhé.

Chiến lược Marketing là gì?

Chiến lược Marketing là một kế hoạch tổng thể của doanh nghiệp được vạch ra để tiếp cận được nhiều người tiêu dùng nhất có thể và biến họ trở thành khách hàng của các sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. 

Chiến lược Marketing là gì?

Một chiến lược Marketing bao gồm tầm nhìn sứ mệnh của doanh nghiệp, thông điệp muốn nhắn gửi và dữ liệu thông tin liên quan nhân khẩu học, insight khách hàng mục tiêu lẫn đối tác chiến lược, các kênh và chiến thuật.

Vì vậy, việc sở hữu một chiến lược Marketing hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp mở ra các cơ hội tốt nhất như:

  • Thúc đẩy doanh số bán hàng.
  • Duy trì sự phát triển doanh nghiệp.
  • Nghiên cứu khách hàng
  • Quản lý ngân sách hiệu quả

Chính vì thế, để một doanh nghiệp có thể duy trì và phát triển bền vững thì ngoài việc cải thiện sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp cũng cần phải có có một chiến lược Marketing đúng đắn, hiệu quả.

Các thành phần của chiến lược Marketing

Các thành phần của chiến lược Marketing

Mục tiêu 

Đằng sau sự phát triển của công ty, thương hiệu hay sự thành công của một chiến dịch truyền thông là một định hướng rõ ràng, cụ thể và chính xác. Một chiến lược Marketing  hiệu quả sẽ bắt đầu bằng các mục tiêu đúng đắn bao gồm: tăng sản lượng tiêu thụ, tăng mức độ thâm nhập thị trường, tăng giá trị sử dụng, tăng mức độ trung thành,…

Thị trường mục tiêu

Thị trường mục tiêu là phân khúc chứa tỷ lệ lớn khách hàng tiềm năng, phù hợp với sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. Hay hiểu đơn giản, thị trường mục tiêu chính là điểm đến của các kế hoạch và chiến lược marketing mà doanh nghiệp hướng đến. Nắm bắt rõ ràng về thông tin thị trường mục tiêu giúp doanh nghiệp vừa tạo ra những sản phẩm dịch vụ đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng vừa nâng cao hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, chi phí quảng cáo.

Nguồn cung ứng

Nguồn cung ứng là lượng hàng hóa hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp hay một ngành có khả năng và sẵn sàng cung cấp cho người tiêu dùng. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong marketing, nguồn cung ứng có mặt tại hầu hết các chiến lược kinh doanh của một doanh nghiệp. Nó sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt, quản lý các hoạt động, điều phối sản phẩm, gia tăng thị phần,…Với chiến lược marketing, chuỗi cung ứng giúp nhà quản lý xác định số lượng, nhu cầu hàng hóa cần tiếp thị ra thị trường. Đồng thời, với chuỗi cung ứng hoàn hảo, doanh nghiệp sẽ có được lợi thế cạnh tranh về giá cả giúp người làm marketing có thêm nhiều ý tưởng cho việc quảng bá sản phẩm. 

Lợi thế cạnh tranh

Lợi thế cạnh tranh là những ưu thế khiến cho thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của một doanh nghiệp vượt trội so với các đối thủ khác trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề. Nắm rõ các lợi thế cạnh tranh giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển lâu dài trên thị trường. Đồng thời, điều này sẽ giúp đội ngũ marketing dễ dàng định hướng phát triển sản phẩm theo hướng đi riêng và tạo ra nhiều ý tưởng đột phá. 

Quảng cáo

Nhắc đến chiến lược marketing không thể không nhắc đến quảng cáo. Thậm chí, có nhiều người còn lầm tưởng cả hai thuật ngữ đều là một. Chiến lược quảng cáo là tập hợp tất cả các mục tiêu tiếp thị sản phẩm, dịch vụ và cách thức để đạt được các mục tiêu đó. 

Để thực hiện một chiến lược quảng cáo marketing thành công, nhà quảng cáo cần xác định phương hướng rõ ràng, chi tiết qua từng giai đoạn. Đặc biệt, chi tiêu ngân sách hợp lý cho các chiến lược quảng cáo luôn là một bài toán nan giải mà các doanh nghiệp cần phải chú trọng giải quyết. Một số chiến lược quảng cáo thường được nhiều thương hiệu nổi tiếng áp dụng như: tạo lập website gia tăng khả năng nhận diện thương hiệu, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, social media, kết hợp influencer,…

KPI 

Là chỉ số đo lường hiệu quả công việc, được đo lường và báo cáo thông qua các hoạt động marketing, nó giúp doanh nghiệp xác định được hiệu quả của chiến lược marketing. Qua đó, doanh nghiệp có thể xem xét điều chỉnh, bổ sung các thiếu sót đã được triển khai trước đó và định hình chiến lược phù hợp cho tương lai. 

Các bước xây dựng Chiến lược Marketing hiệu quả

Không có một chiến lược marketing cụ thể, doanh nghiệp như trở thành con tàu mất phương hướng, trôi nổi giữa đại dương mênh mông mà không nhìn thấy bến bờ phía trước. Chính vì thế, bằng mọi cách doanh nghiệp bạn cần phải có một chiến lược marketing hiệu quả.

Dưới đây là các bước xây dựng chiến lược marketing mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng không thể bỏ qua nếu không muốn tụt lại phía sau.

Hiểu rõ về khách hàng mục tiêu

Hiểu rõ về khách hàng mục tiêu để xây dựng chiến lược Marketing hiệu quả

Bước đầu tiên để xây dựng một Chiến lược Marketing hiệu quả là cần hiểu rõ về khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp bạn đang hướng đến. Việc phác thảo lên chân dung khách hàng cho phép doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường mục tiêu sẽ hướng đến, nhu cầu của khách hàng là gì. Từ đó, đưa ra giải pháp phù hợp đáp ứng nhu cầu khách hàng tiết kiệm thời gian chi phí và mang lại lợi nhuận cao hơn.

Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh

Hiểu rõ về khách hàng mục tiêu thôi là chưa đủ, bạn cần biết thêm về đối thủ cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp của doanh nghiệp. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng, việc phân tích đối thủ cạnh tranh giúp doanh nghiệp xác định điểm mạnh, điểm yếu của mình so với họ để hoạch định chiến lược marketing phù hợp và cải tiến sản phẩm sao cho nổi bật, khác biệt với đối thủ. Từ đó, giúp doanh nghiệp có thể vượt mặt đối thủ và cải thiện giá trị cho khách hàng. 

Lựa chọn phương tiện truyền thông

Từ xưa đến nay, dù là marketing truyền thống hay marketing hiện đại thì phương tiện truyền thông luôn là một thành phần cốt lõi trong các chiến lược Marketing của doanh nghiệp. 

Sự tương tác mạnh mẽ thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng mở ra cho doanh nghiệp cơ hội để quảng bá hình ảnh, sản phẩm, tạo dấu ấn thương hiệu và giúp khách hàng hiểu rõ hơn về doanh nghiệp. 

Hiện nay, có hàng trăm các kênh truyền thông từ truyền thống đến hiện đại mà doanh nghiệp bạn có thể vận dụng linh hoạt như báo đài, radio, tivi,…hay SEO, SEM, Facebook Ads, TikTok Ads,…. Dù lựa chọn kênh truyền thông nào, điều quan trọng nhất vẫn là xác định xem chúng có phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp hướng đến không, và có khả năng chuyển đổi cao không. 

Thực hiện chia nhỏ phễu bán hàng

Phễu bán hàng (Sales Funnel) là mô hình được sử dụng trong kinh doanh để tổng kết lại quá trình khách hàng trải qua trước khi quyết định mua sản phẩm/ dịch vụ mà bạn cung cấp. Đây là quá trình có tác động sâu sắc đến sự thay đổi từ hành vi mua hàng sang hành động mua hàng của khách hàng. 

Phễu bán hàng hoạt động dựa trên tỷ lệ chuyển đổi của khách hàng, mọi phễu bán hàng đều bao gồm 4 giai đoạn AIDA:

  • Attention (Thu hút sự chú ý): sau khi xác định được khách hàng mục tiêu, việc tiếp theo là tiến hành tiếp thị để thu hút sự chú ý của họ đến sản phẩm thông qua các kênh truyền thông như tivi, billboard, tin nhắn quảng cáo, các mạng xã hội,…
  • Quan tâm (Interest): tạo ra sự quan tâm đến lợi ích của sản phẩm sao cho đủ để khuyến khích người mua bắt đầu tìm hiểu thêm. Điều cần làm là nghiên cứu thật kỹ, nắm được những nhu cầu, mong muốn của khách hàng để sắp xếp, chọn lọc và truyền tải những thông điệp phù hợp. 
  • Desire (Mong muốn): gợi nên sự thích thú giúp chuyển người tiêu dùng từ thích sản phẩm sang mong muốn có được nó. Đây là bước quan trọng cho khách hàng thấy những gì bạn mang tới và giúp ích cho họ như thế nào.
  • Hành động (Action): 3 bước trên sẽ là tiền đề để giúp bạn đi đến thành công ở giai đoạn cuối này. Khi đã có đầy đủ sự quan tâm, khách hàng có thể đi đến hành động bằng cách mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ mà bạn cung cấp.

Các chiến lược Marketing kinh điển từ các thương hiệu nổi tiếng

Một tên tuổi vô danh hay thương hiệu bị lãng quên trong quá khứ đôi khi cũng có thể vươn mình đứng dậy mạnh mẽ khi trong tay sở hữu những chiến lược Marketing đỉnh cao. Cùng KINGSEO nhìn lại quá trình để xây dựng thương hiệu của một số tập đoàn lớn trên thế giới bằng những minh chứng cụ thể dưới đây. 

Coca Cola – Xây dựng tính nhất quán cho thương hiệu 

Sau hơn 130 năm hình thành và phát triển, Coca Cola chiếm vị thế đứng đầu ngành nước giải khát trên toàn cầu. Hình ảnh thương hiệu Coca Cola xuất hiện mọi lúc mọi nơi với một chiếc logo đơn giản, dễ nhận diện bằng tông màu trắng – đỏ. Mặc dù có một vài lần thay đổi logo và slogan nhưng các chiến dịch quảng bá, thông điệp đều có sự thống nhất trước sau như một. 

Coca Cola – Xây dựng tính nhất quán cho thương hiệu 

Bên cạnh chiến lược xây dựng thương hiệu nhất quán, dễ nhận biết, Coca Cola còn kết hợp nhiều chiến lược marketing khác như giá, sản phẩm, phân phối, truyền thông…

Trải qua nhiều thời kỳ, dù có vô vàn đối thủ mọc lên, mạnh có yếu có nhưng Coca Cola ở đó, vẫn luôn giữ vững ngôi vị quán quân của mình. 

Apple – Bậc thầy chiến lược Marketing truyền miệng

Apple – gã khổng lồ trong ngành công nghệ được cả thế giới biết đến với sự khác biệt hoàn toàn từ sản phẩm lẫn chiến lược marketing. Thậm chí, doanh nghiệp chỉ tốn rất ít chi phí cho việc quảng bá sản phẩm mới. Thay vào đó, Apple tạo ra và dựa vào tin đồn, hay còn gọi chiến lược marketing truyền miệng. Mọi sản phẩm của Apple đều được “fan hâm mộ” nóng lòng chờ đợi bằng những cú pháp truyền miệng kèm theo những bước đệm của báo chí, truyền hình. 

Apple – Bậc thầy chiến lược Marketing truyền miệng

Thực tế nhất trong thời gian gần đây, khi Apple vừa chỉ mới tung ra thông tin ra mắt sản phẩm Iphone 13 nhưng chưa hề xuất hiện một khoảnh khắc quảng cáo nào cho siêu phẩm này. Ngay sau đó, dân tình đã bàn tán xôn xao và thi đua nhau xếp hàng để tậu cho mình một chiếc điện thoại xịn sò mà nhiều người mơ ước. Có thể thấy, không cần quảng cáo, pr rầm rộ nhưng Apple cũng đã có được lượng khách hàng và doanh thu khổng lồ. 

Song song với chiến lược truyền miệng độc nhất vô nhị, hãng Táo khuyết còn áp dụng một số chiến lược marketing ít ai có được như: tập trung giá trị sản phẩm, đơn giản hoá sản phẩm, cải thiện trải nghiệm khách hàng,…

Starbucks – Chiến lược Social Media

Starbucks là thương hiệu chuỗi cà phê phổ biến nhất trên thế giới với hơn 24.300 cửa hàng trên toàn cầu. Để đạt được thành tích đáng nể này, không thể không nhắc đến các chiến lược Social Media thành công vang dội.

Starbucks – Chiến lược Social Media

Bằng việc vận dụng tốt các lợi ích từ các kênh Social Media như Facebook, Twitter, Instagram. Starbucks đã triển khai Chiến dịch Tweet-a-Coffee cho phép mọi người tặng thẻ quà tặng $5 cho bạn bè chỉ bằng cách đặt @tweetacoffee và hình ảnh một tay cầm của một người bạn vào cùng một tweet. Dĩ nhiên là phần cà phê thì không hề miễn phí rồi, vì vậy khách hàng phải kết nối tài khoản Starbucks của họ với tài khoản Twitter và thêm thông tin về thẻ credit vào tài khoản. 

Hiệu quả đo lường được sau chiến dịch, có đến hơn 27,000 khách hàng đã gửi đi những phần quà và mang về cho thương hiệu hơn 180,000 đô lợi nhuận. Đồng thời cũng giúp Starbucks thu thập được rất nhiều thông tin khách hàng thông qua các tài khoản twitter để phục vụ cho các chiến dịch marketing về sau.

Lời kết 

Chiến lược marketing là một trong những thành phần quan trọng quyết định đến sự sống còn của một doanh nghiệp, thương hiệu. Vì thế, marketer cần có kế hoạch thật rõ ràng và tỉ mỉ trước khi tiến hành triển khai một hoạt động, chiến dịch cụ thể. Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc có được những kiến thức cơ bản nhất về chiến lược marketing. Chúc các bạn thành công!

Các bài viết liên quan