Viral Marketing là một trong những hình thức được rất nhiều doanh nghiệp sử dụng, giúp nhận biết thương hiệu, mở rộng phạm vi tiếp cận với người dùng mà không cần đến quá nhiều kỹ thuật quảng cáo. Nếu bạn đang cần yếu tố trên để phát triển doanh nghiệp, trong bài viết dưới đây, KINGSEO sẽ phân tích rõ Viral Marketing là gì và 5 bước xây dựng chiến dịch Viral Marketing ấn tượng nhất. Hãy cùng theo dõi bạn nhé!
Trong marketing hiện đại, Viral giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Một minh chứng rõ nhất mà lớp thế hệ 9x đời đầu không thể nào quên đó là bom tấn “Kangaroo – Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam” – với clip quảng cáo chỉ vỏn vẹn 5s. Nhưng chiến lược đã thành công rực rỡ và ghi được dấu ấn mạnh mẽ với người tiêu dùng chính là nhờ Viral Marketing.
Vậy Viral Marketing là gì? Tại sao chiến lược Viral Marketing được nhiều doanh nghiệp lựa chọn?
Viral Marketing (tiếp thị lan truyền) là một chiến lược marketing tạo ra sức ảnh hưởng đối với khách hàng, nhằm thúc đẩy hành vi chia sẻ, lan truyền nội dung thông điệp từ người này đến người khác, tạo nên mức độ lan tỏa khủng khiếp theo cấp số nhân.
Khi một chiến dịch Viral Marketing được tung ra, đồng nghĩa sẽ có 2 trường hợp xảy ra: thứ nhất, bạn sẽ nhận được hiệu ứng tích cực từ phía khách hàng, thúc đẩy sự phát triển thương hiệu. Ngược lại, nếu không bắt được trend hay tâm lý khách hàng sẽ gây ra sự nhàm chán, thậm chí họ sẽ phát cáu mỗi khi nhắc đến chiến dịch này. Chính vì thế, doanh nghiệp của bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đạt được thành công tối đa nhất, hạn chế mọi rủi ro có thể xảy ra cho chiến dịch Viral.
Ví dụ về Viral Marketing
Nếu bạn là một tín đồ của Shopee – sàn thương mại điện tử được mệnh danh là “thánh bắt trend”, thì đã ít nhất một lần bạn phải thốt lên với bạn bè rằng: “Cùng shopee pi pi pi pi… Nào ta mua mua mua…”. Trong dự án này, Shopee đã tận dụng sức ảnh hưởng của bản hit Baby Shark với 9.1 tỷ lượt xem trên Youtube (vượt cả dân số thế giới) để tạo nên cơn sốt quảng cáo viral thành công nhất vào năm 2018. Từ đó đến nay, chỉ cần nghe đến giai điệu bài hát, ngay lập tức khách hàng đều nhận diện được thương hiệu của Shopee.
Chiến lược Baby Shark đã tạo nên một bước nhảy vọt, đưa tên tuổi của thánh bắt trend vượt mặt cả Lazada và Tiki, mặc dù ra đời sau 2 năm. Đồng thời, góp phần giúp Shopee trở nên phổ biến tại Đông Nam Á.
Truyền thông là một quá trình dài đòi hỏi người làm marketing phải kết hợp nhiều yếu tố để tạo ra hiệu ứng tiếp cận người dùng. Trong đó, Viral Marketing là hình thức được rất nhiều doanh nghiệp ưa chuộng và đã vận dụng thành công. Các loại hình Viral Marketing thường gặp như:
Pass Along
Pass Along là kiểu truyền tải thông tin từ người này sang người khác, thông qua các bài viết đánh giá, chia sẻ trên trang cá nhân, thảo luận trên diễn đàn, hội nhóm,…
Ví dụ: thương hiệu máy lọc nước Karofi vừa cho ra mắt dòng Karofi P95. Ca sĩ Hariwon đã sử dụng và chia sẻ cảm nhận lên trang cá nhân Facebook rằng cô rất hạnh phúc khi sở hữu sản phẩm này. Từ đó, bài viết nhận được rất nhiều lượt tương tác, đồng nghĩa với việc nhiều người đã biết đến sản phẩm này hơn.
Undercover
Undercover là kiểu lan truyền theo các tin hot, mới nhất một cách nhanh nhất có thể.
Ví dụ: đã từng có một thời rầm rộ các clip đến từ kênh “Bà Tân Vlog”, với cụm tính từ đậm chất dân giã mà bà cụ 60 tuổi thường dùng đã tạo nên xu hướng 2020 đó là “siêu to khổng lồ”. Từ đó, trend này đã được đội ngũ marketing của các doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp qua các chương trình như “VNPT Pay- Siêu to khổng lồ”, “Khuyến mãi 50% siêu to, khổng lồ cho thuê bao Vinaphone”,…
Edgy Gossip
Edgy Gossip là kiểu tạo ra những cuộc tranh luận, với những ý kiến trái chiều xung quanh những chủ đề được định sẵn từ chủ đích của doanh nghiệp. Điều này nhằm tạo ra làn sóng thu hút tới sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của doanh nghiệp.
Ví dụ: Khi thương hiệu Apple sắp ra mắt dòng sản phẩm iPhone 13, có rất nhiều bài viết tạo ra cuộc tranh luận 2 chiều từ các tín đồ “táo khuyết”. Điển hình như :“iPhone 13 bị chê ít đột phá”, “iPhone 13 nhàm chán nhưng vẫn đắt hàng”,… Điều này không gây ảnh hưởng nhiều đến chủ thương hiệu, mà nó còn đem lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt nhất là “iPhone 13 đẩy giá cổ phiếu lên mức cao kỷ lục”, “Vốn hóa thị trường của Apple sắp đạt mốc 3.000 tỷ USD.
Incentive
Incentive là kiểu kích thích người dùng chia sẻ, lan truyền thông điệp Viral Marketing bằng phần thưởng, quà tặng, khuyến mãi,… từ doanh nghiệp.
Ví dụ: Jio Health là một thương hiệu về lĩnh vực y tế, họ đã kích thích người dùng chia sẻ thương hiệu bằng chương trình “Khoe ảnh vui hè, cả nhà vui khỏe”. Bằng cách: like fanpage, đăng ký thành viên và gửi ảnh, sau đó kêu gọi bạn bè reaction, comment, share ảnh để chọn ra bức ảnh có lượt tương tác cao nhất với giải thưởng lên đến 9.000.000 đồng cùng các gói dịch vụ đi kèm. Như vậy, với thể lệ cuộc thi như trên sẽ giúp tăng độ nhận biết thương hiệu, tạo độ tin cậy cho nhiều khách hàng cũ cũng như khách hàng mới.
Viral Marketing là một trong các hình thức marketing ngoài việc giúp thương hiệu được ghi nhớ trong tâm trí người dùng, nó còn có tính lan rộng và tăng mức độ phổ biến của thương hiệu lên rất nhiều. Nhất là trong thời đại internet bùng nổ như hiện nay, thì những lợi ích mà các chiến dịch viral marketing mang lại cho doanh nghiệp là cực kỳ to lớn.
Tăng nhận diện thương hiệu
Khi bạn tạo ra nội dung viral thực sự thuyết phục, bạn sẽ nhận được đánh giá tốt từ khách hàng, chính họ sẽ là người quảng bá miễn phí cho bạn, từ đó nội dung được tiếp cận đến nhiều người, thương hiệu của bạn sẽ được lặp đi lặp lại khiến họ ghi nhớ và được xếp vào thương hiệu nằm trong “top of mind” của khách hàng.
Ví dụ: bạn lướt newfeed và gặp một nội dung nào đó, bạn phớt lờ không quan tâm nhưng chúng cứ liên tục xuất hiện khiến bạn phải thắc mắc “lại có trend gì nữa đây?”, chắc chắn bạn sẽ tò mò và click vào để tìm hiểu. Vô tình, nội dung trên đánh đúng vào tâm lý, nhu cầu và kích thích hành vi của bạn. Vì thế, bạn muốn chia sẻ nội dung đó đến nhiều người, nhờ vậy mà nhiều người biết đến thương hiệu hơn.
Tiết kiệm chi phí quảng cáo
Nếu còn là một doanh nghiệp non trẻ, để tiếp cận với người dùng thì phương pháp nhanh chóng nhất chính là quảng cáo, truyền thông qua các kênh social, website, báo mạng,…
Nhưng khi đã có mức độ ảnh hưởng nhất định, Viral Marketing có thể thay thế các chiến dịch quảng cáo tốn kém chi phí, làm nhiệm vụ truyền tải thông điệp, giữ chân khách hàng cũ và tìm khách hàng mới, thông qua các video trực tuyến, đủ mới mẻ, đủ bức phá và đủ thu hút, gây sự tò mò cho khách hàng.
Mở rộng phạm vi tiếp cận
Viral Marketing là một hình thức có thể phát tán hiệu quả chỉ trong thời gian ngắn, nghĩa là bạn cũng có thể “ngủ dậy một đêm đã trở thành người tối cổ”.
Drama sẽ không chọn giờ hành chính để nổ, vì chỉ cần nội dung đánh đúng vào thị hiếu của người dùng, tốc độ lan truyền sẽ nhanh như tên lửa. Tận dụng được ưu điểm này, thương hiệu của bạn sẽ sớm phủ khắp các mặt báo, các kênh social phổ biến hiện nay và tiếp cận được nhiều người dùng hơn.
Độ phủ sóng mạnh mẽ
Khi Internet lên ngôi, “cư dân mạng” nói chung và giới trẻ nói riêng hầu hết đều có tính hiếu kỳ, dành nhiều thời gian cho việc “hít drama” mỗi ngày. Vì thế, việc họ bàn luận về một chiến dịch Viral Marketing nào đó, hay vài lượt chia sẻ của họ được ví như “đòn bẩy”, giúp thông tin được phát tán với tốc độ chóng mặt. Nếu content marketing của bạn càng hot, càng hứng thú, thì tốc độ lan truyền càng mạnh mẽ.
Để áp dụng công thức Viral Marketing một cách thành công, điều cần thiết là đội ngũ marketer phải thấu hiểu được nhu cầu và tâm lý khách hàng, cũng như nắm bắt kịp thời các xu hướng đang thịnh hành. Bởi khách hàng sẽ là người thay thế các thao tác, công cụ để lan tỏa thông điệp mà bạn muốn gửi đi. Vậy yếu tố nào cần có để chiến lược Viral Marketing trở nên “hot hit”, tác động mạnh mẽ đến việc chia sẻ của mọi người?
Nội dung có giá trị, sáng tạo
Bạn có đồng ý với quan điểm rằng, khách hàng hiện nay khá khó tính trong việc tiếp nhận và chọn lọc thông tin để ra quyết định tiêu dùng cho mình và người thân? Chính vì thế, những nội dung thực sự có giá trị và hữu ích mới có sức lan tỏa rộng rãi. Trường hợp nếu bạn là khách hàng, bạn cũng chỉ muốn giới thiệu với gia đình, bạn bè xung quanh những điều tốt đẹp nhất. Do đó, tùy thuộc vào từng lĩnh vực, từng loại sản phẩm/dịch vụ khác nhau mà bạn nên cung cấp những thông tin bổ ích, đúng thứ người dùng cần để có được hiệu ứng tích cực.
Đồng thời, bạn phải đảm bảo rằng những thông tin cũng như hình thức thực hiện chiến dịch Viral Marketing phải độc nhất, phải sáng tạo, không đụng hàng hay quá lỗi thời so với tình hình thực tế của thị trường, như vậy mới tạo ra một luồng gió mới thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nếu như lặp lại những vết xe cũ, những ý tưởng và cách làm đã được thực hiện, chắc chắn sẽ không tạo được viral và thậm chí thương hiệu của bạn sẽ bị mờ nhạt dần.
Ví dụ: Có thể bạn sẽ không nhớ chính xác thời gian, nhưng vào cuối 2016 đến nay, với sự xuất hiện của những nhân vật khoác trên mình trang phục màu xanh thương hiệu, Điện máy xanh đã tung ra clip quảng cáo chưa đầy 1 phút với những giai điệu vui nhộn:
“Bạn muốn mua tivi – Đến Điện máy xanh,
Bạn muốn mua tủ lạnh – Đến Điện máy xanh,
Máy lạnh, máy giặt – Đến Điện máy xanh,…”
Với việc sáng tạo, đầu tư kỹ lưỡng về nội dung lẫn hình thức, tập đoàn Thế giới di động muốn người xem nhanh chóng nhận diện thương hiệu ĐIỆN MÁY XANH. Đồng thời muốn nhấn mạnh rằng tại đây bạn có MUÔN VÀN LỰA CHỌN, góp phần đưa chuỗi cửa hàng toàn quốc trở thành thương hiệu “top of mind” trong tâm trí khách hàng.
Truyền tải được cảm xúc, thông điệp qua nội dung
Không chỉ dừng lại ở nội dung, mà cảm xúc cũng chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy hành động chia sẻ của người dùng. Ý nghĩa và nội dung của chiến lược phải chạm đến tột đỉnh của cảm xúc mới nhận về hiệu ứng mạnh mẽ, tạo được tính viral cao. Cũng giống như khi ta xem một bộ phim ngắn, ngay từ những giây đầu tiên đã mang đến cảm xúc lôi cuốn thì bạn mới tiếp tục theo dõi, giới thiệu đến bạn bè cùng xem. Nhưng để lấy được cảm xúc của người đọc, người xem thì công ty/doanh nghiệp bạn nên cân nhắc đưa ra dự án marketing đúng thời điểm, có như thế mới bắt trọn được từng nhịp tâm lý.
Ví dụ:
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, đối với tất cả mọi người nói chung và những người con xa quê hương, xa gia đình nói riêng sẽ có những nỗi niềm không thể diễn tả. Neptune thấu hiểu được điều này và xây dựng chiến dịch quảng cáo đong đầy cảm xúc đến người xem. Vào mỗi năm, thương hiệu dầu ăn này đều sẽ có những thay đổi về nhân vật cũng như bối cảnh, nhưng vẫn kiên định một nội dung đó chính là sự yêu thương, kết nối và đoàn tụ cùng thông điệp “Về nhà đón Tết, Gia đình trên hết”. Thông điệp này được lặp đi lặp lại hàng năm, không chỉ làm người dùng ghi nhớ thương hiệu, mà quan trọng hơn họ thấy sự kết nối và yêu thương được lan tỏa.
Sức mạnh của truyền thông
Nếu như ví chiến dịch Viral Marketing như một hành trình phóng tên lửa thì các phương tiện truyền thông góp một phần rất quan trọng, tạo ra động lực để đẩy mọi thứ trở nên viral. Bất kể một ngày làm việc có bận rộn đến mấy, nhưng hầu hết chúng ta đều dành ra một khoảng thời gian ngắn để lướt web, Facebook, Tiktok, Youtube, Blog,… đây chính là những kênh social media được sử dụng nhiều nhất để các công ty/doanh nghiệp thực hiện các dự án marketing. Với ưu điểm là hàng tỷ người truy cập mỗi ngày, hoàn toàn miễn phí, tự nguyện chia sẻ,… thì sức mạnh của truyền thông sẽ là bệ phóng cho những kế hoạch Viral Marketing của bạn.
Để thực hiện một chiến dịch Viral Marketing thành công, KINGSEO xin chia sẻ đến bạn đọc trình tự cơ bản để xây dựng chiến dịch, đồng thời đi sâu vào ví dụ thực tế của chiến dịch chào Tết của “Mirinda – Chuyện cũ bỏ qua”, bạn nhé!
Bước 1: Khảo sát khách hàng – nghiên cứu thị trường
Bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào của doanh nghiệp được tạo ra đều phục vụ cho nhu cầu, mong muốn của khách hàng. Và chiến lược marketing cũng vậy, hãy thực hiện các đợt nghiên cứu, khảo sát thị trường để trả lời cho các câu hỏi như:
- Khách hàng đang muốn xem gì, nghe gì, đọc gì?
- Nội dung có thể tác động đến sự chia sẻ của khách hàng là gì?
- Cách thức để khách hàng chia sẻ thuận tiện nhất?
Ngoài ra, bạn cũng nên nghiên cứu về các biến động của thị trường, đối thủ cạnh tranh, thời điểm ra mắt sản phẩm có hợp lý hay chưa,…
Ví dụ: Trong bối cảnh năm 2018, Việt Nam tràn ngập drama với những cuộc ẩu đả, tranh luận, cãi vã căng thẳng về nhiều vấn đề với tốc độ lan truyền chóng mặt lên đến hàng triệu người xem. Không kể, từ cộng đồng mạng hay thực tế, thậm chí là những người hàng xóm gây gổ với nhau chỉ vì một bao rác. Hiểu được vấn đề nhức nhối rằng người dân Việt Nam ta luôn có tâm lý dẹp bỏ mọi buồn phiền, xui rủi của năm cũ để bước sang một năm mới tươi vui, tràn ngập tiếng cười. Hơn nữa, nhạc Tết và hài kịch là 2 lựa chọn giải trí hàng đầu của người tiêu dùng vào mùa Tết. Từ đó, MV “Chuyện Cũ Bỏ Qua” ra đời khắc họa lại khung cảnh trên, đánh đúng vào tâm lý của người dùng, tạo nên chiến dịch vô cùng thông minh, nhạy bén.
Bước 2: Xác định mục tiêu và thông điệp
Mỗi chiến dịch Viral Marketing sẽ được định vị bằng một thông điệp theo suốt hành trình của nó. Thông điệp mang ý nghĩa thể hiện cho mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra, giúp khách hàng ấn tượng và nhớ rõ sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.
Lưu ý, hãy xây dựng thông điệp phù hợp với đối tượng mục tiêu đã được phân tích ở bước 1, tránh gây hiểu lầm, truyền tải sai nội dung (liên quan đến tôn giáo, chính trị, văn hóa,…) và gây ra hậu quả tiêu cực.
Ví dụ: với mục tiêu tăng cường tiêu thụ sản phẩm của Mirinda suốt mùa Tết và định vị thương hiệu, Mirinda chọn cách trở thành “sứ giả hòa bình” bằng hương vị ngọt ngào của mình để cải thiện tâm trạng của mọi người, xua tan mọi cơn tức giận. Từ đó, Mirinda muốn truyền tải thông điệp “Chuyện cũ bỏ qua” để khép lại năm cũ.
Bước 3: Xây dựng nội dung
Nội dung viral có thể được xây dựng dựa trên bài viết, hình ảnh, âm thanh, video,… tùy theo định hướng của doanh nghiệp, nhưng phải phù hợp và giải thích cho thông điệp muốn truyền tải. Đặc biệt, hãy đầu tư sao cho nội dung có thể chạm đến cảm xúc của người dùng, từ đó mới có thể thúc đẩy hành vi mua hàng của họ.
Ví dụ: MV “Chuyện Cũ Bỏ Qua” tái hiện lại khung cảnh xung đột đời thường giữa hai người hàng xóm, giữa các thế hệ, các thành viên trong gia đình nhưng không căng thẳng mà đi theo lối hài hước, vui nhộn. Ngay lúc đó, ca sĩ Bích Phương xuất hiện đưa cho họ 2 lon Mirinda, nhờ hương vị ngọt ngào của sản phẩm đã hòa giải được cuộc tranh cãi, xua tan cơn thịnh nộ của đôi bên. Từ đó, họ bắt đầu bật cười thả ga và vui vẻ đón chào một năm mới sắp đến.
Như vậy, nội dung được thể hiện trong câu chuyện trên đánh đúng vào tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam. Điều này có thể kích thích hành vi mua hàng, cụ thể là nước ngọt có gas Mirinda vào những ngày Tết. Không những làm quà biếu, Mirinda cũng có thể được xem như “miếng trầu là đầu câu chuyện” trong những dịp Tết đến Xuân về.
Bước 4: Phân phối nội dung hợp lý
Sau khi hoàn thành nội dung, hãy chủ động lan truyền nội dung đó thông qua các phương tiện truyền thông đang phổ biến hiện nay như Facebook, Youtube, blog, báo mạng,… để tiếp cận với khách hàng mục tiêu, đồng thời thuận tiện cho việc chia sẻ, phát tán nội dung của người dùng.
Không nên đăng tràn lan, làm tiêu tốn chi phí mà chỉ nên chọn những kênh phổ biến, những kênh tiếp cận được khách hàng mục tiêu tùy thuộc vào nội dung muốn truyền tải.
Ví dụ: chiến dịch Mirinda – “Chuyện Cũ Bỏ Qua đã được phân phối ở các kênh như Youtube, Facebook, KOL
Bước 5: Theo dõi, đánh giá hiệu quả của chiến dịch
Không phải bất kỳ chiến dịch nào khi đầu tư kỹ càng cũng đều mang lại thành công 100% như dự kiến. Vì thế, khi nội dung đã được xuất bản, hãy theo dõi phản ứng của người dùng, đánh giá hiệu quả để nâng cao trải nghiệm và cải thiện một cách tối ưu nhất.
Lời kết
Như vậy, Viral Marketing là một chiến lược cực kỳ hữu ích trong việc nhận diện thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ cho doanh nghiệp của bạn. Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết của KINGSEO đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức cần thiết về thuật ngữ này. Đồng thời, có thể vận dụng các yếu tố, cũng như các bước xây dựng chiến dịch Viral Marketing vào dự án sắp tới của mình một cách hiệu quả nhất.